Tới dự, động viên ngành Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; các đồng chí nguyên lãnh đạo Sở qua các thời kỳ.
Đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Sở Tài nguyên và Môi trường
Ngày 09/6/2003, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 51/2003/QĐ-UB về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức bộ máy của Sở Địa chính, tiếp nhận bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường. Biên chế ban đầu của Sở có 39 công chức, 07 phòng chuyên môn và 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Đồng chí Hồ Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi lễ
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Sở được bổ sung chức năng nhiệm vụ; tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ và Viễn thám. Tổ chức, bộ máy được kiện toàn; đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có sự trưởng thành vượt bậc về năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tặng hoa chúc mừng Sở Tài nguyên và Môi trường
Năm 2004 thành lập Trung tâm phát triển Quỹ đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh; năm 2005 thành lập Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường; năm 2008 thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường; năm 2013 thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường; năm 2015 thành lập Phòng Kế hoạch - Tài chính, Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai; năm 2021, thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Sở, theo đó Chi cục Quản lý đất đai và Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám được sáp nhập lại thành Phòng Quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ. Đây là những dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành; đến nay Sở có 5 phòng chuyên môn và 1 chi cục tham mưu quản lý Nhà nước; 04 đơn vị sự nghiệp và Quỹ bảo vệ môi trường với số lượng 425 công chức, viên chức, người lao động, trong đó: trình độ chuyên môn 02 tiến sỹ, 174 thạc sỹ, 230 đại học; cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng quyết tâm cao của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, xong Sở Tài nguyên và Môi trường luôn phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tạo những dấu ấn lớn trong đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một tỉnh có nhiều chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước. Những kết quả nổi bật mà ngành đã đạt được trong 20 năm qua, đó là:
Thứ nhất: Công tác xây dựng thể chế đã được quan tâm chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 20 năm qua, Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành hơn 70 lượt văn bản quy phạm pháp luật quy định trên các lĩnh vực của ngành, trong đó quản lý đất đai và bảo vệ môi trường là lĩnh vực trọng tâm. Cùng với đó, Sở đã chủ động tham mưu xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu của tỉnh.
Song song với công tác xây dựng pháp luật, Sở cũng tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống, bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị phổ biến Văn bản Luật, hội nghị chuyên đề và thông qua hệ thống cơ quan truyền thông của tỉnh.
Thứ hai: Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý Nhà nước được nâng cao. Sở đã tập trung để đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; sớm triển khai cơ chế “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đất đai, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến; thái độ làm việc, kỹ năng hành chính của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, tạo được nhiều sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Sở đã đưa 100% thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện, với kết quả tiếp nhận, giải quyết thuận lợi, trong đó: 100% thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn tại Trung tâm hành chính công tỉnh; 90% thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn tại Trung tâm hành chính công cấp huyện.
Thứ ba: Công tác quản lý đất đai được tăng cường, có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở đã tham mưu phê duyệt quy hoạch và quy hoạch điều chỉnh, bổ sung sử dụng đất cho 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh kỳ 2001-2010; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh kỳ 2011-2020; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bắc Ninh; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; chuyển mục đích sử dụng trên 12.434 ha đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung cao để khai thác các nguồn lực từ đất đai, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở đã chỉ đạo và hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất, trong đó: Cấp giấy cho 98% diện tích đất lâm nghiệp; 96,8% diện tích đất nông nghiệp; 96,2% diện tích đất ở; 97,3% diện tích đất tôn giáo; 96,4% diện tích đất tín ngưỡng; 97,9% diện tích đất quốc phòng, an ninh; 99% diện tích đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, là tỉnh đứng trong tốp đầu toàn quốc. Đã lập bản đồ địa chính phủ trùm 100% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Thứ tư: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được tăng cường, tác động tích cực đến hệ thống chính trị và nhận thức của người dân. Tập trung xử lý, hoàn thiện hồ sơ và đưa ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 04/05 cơ sở; xoá bỏ 1.400/1.400 (đạt 100%) lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Trước năm 2003, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt chỉ đạt gần 50%, hiện nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị đã đạt khoảng 96%, khu vực nông thôn đạt khoảng 90%.
Công tác bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường làng nghề, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, đô thị và khu công nghiệp được triển khai tích cực. tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%..
Thứ năm: Công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản được quản lý chặt chẽ, nghiêm túc, bảo vệ được tài nguyên và hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của tự nhiên.
Sở đã tập trung hoàn thành lập Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho 8/8 huyện, thị xã và thành phố; đã hoàn thành lập quy hoạch khai thác khoáng sản và phê duyệt khu vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; tham mưu đề xuất với UBND tỉnh dừng các hoạt động nạo vét duy tu kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu: Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu kiện về tài nguyên và môi trường thực hiện có nề nếp, đúng trọng tâm, đúng pháp luật qui định. 20 năm qua, Sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 350 cuộc với 1.183 tổ chức; xử phạt hành chính 462 tổ chức, hộ gia đình cá nhân với số tiền gần 19 tỷ đồng. Xác minh, báo cáo đề xuất biện pháp giải quyết 409 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh giao, tiếp nhận và xử lý 2.543 đơn thư không thuộc thẩm quyền của Sở.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu kiện về tài nguyên và môi trường, Sở đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả giải quyết đảm bảo đúng căn cứ pháp luật, có tình, có lý; các kết luận giải quyết, tham mưu đều được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận, ban hành quyết định.
Thứ Bẩy: Công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể được chú trọng. Đảng bộ Sở và các Chi bộ trực thuộc hoạt động hiệu quả, tích cực, nề nếp; hằng năm đều được công nhận là Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt trên 90%. Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhiều năm liền đạt danh hiệu tổ chức cơ sở vững mạnh, xuất sắc. Cơ quan được công nhận là Công sở văn hoá nhiều năm liền.
Với những thành tích nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ghi nhận đánh giá cao; 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì và 01 huân trương lao động hạng ba; Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Những động viên, khen thưởng nêu trên là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phấn đấu đạt nhiều kết quả tốt hơn trong những năm tới.
Các tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng trong buổi lễ:
Thành tựu của Sở Tài nguyên và Môi trường đạt được trong 20 năm qua là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự giúp đỡ và phối hợp của các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhân dịp này thay mặt Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức người lao động toàn ngành đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Sở, ban, ngành, UBMTTQ, đoàn thể và các địa phương; sự đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường của tỉnh trong 20 năm qua.
Vinh dự và tự hào trước những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Song, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thẳng thắn, nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, yếu kém của ngành, để từ đó đề ra những giải pháp mới có tính khả thi cao, trước hết tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là: Chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách quản lý về tài nguyên và môi trường phù hợp với quy phạm pháp luật và thực tiễn của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.
Hai là: Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường, nêu cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động và gần dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.
Ba là: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, nhất là ở cấp xã. Tập trung cao nhất việc quản lý, kiểm soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác tối đa các nguồn lực đất đai.
Bốn là: Tích cực đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về môi trường; thực hiện tốt các đề án bảo vệ môi trường. Quản lý, giám sát chặt chẽ công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; chú trọng bảo vệ môi trường trong các khu dân cư, đô thị, làng nghề, lưu vực sông. Thực hiện triệt để quan điểm “không đánh đổi môi trường để đầu tư”, xác định môi trường luôn là trụ cột sống còn của phát triển bền vững.
Năm là: Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo, trùng lặp.
Sáu là: Đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.
Tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành trong những năm qua, thế hệ cán bộ hôm nay với khát vọng vươn lên sẽ quy tụ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo để khẳng định vị thế của ngành trong sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của tỉnh; phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tận dụng thời cơ, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đóng góp xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của ngành cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững của tỉnh, đáp ứng mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Nguồn tin: Theo stnmt.bacninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn