Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm - 25/10/2018 14:10
Nếu vào dịch vụ tìm kiếm Google trên internet gõ từ khóa “Cách mạng công nghiệp 4.0” lập tức hệ thống trả về cho ta hàng triệu kết quả, cho thấy đây là vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay. Bài viết này thông tin về Cách mạng công nghiệp 4.0, những chủ trương, chính sách của nhà nước, những cơ hội, thách thức và những vấn đề cần thực hiện để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Trong lịch sử, thế giới trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1784 về sản xuất cơ khí với máy chạy bằng hơi nước và thủy lực. Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu từ năm 1870 về sản xuất hàng loạt với máy chạy bằng điện. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu từ năm 1969 về sản xuất tự động, đánh dấu kỷ nguyên máy tính, điện toán và số hóa. Những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng như vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là thành quả của cuộc cách mạng này. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (tiếng Anh: 4th Industry Revolution, tiếng Đức: Industrie 4.0) lần đầu tiên được lấy làm chủ đề tại Hội chợ triễn lãm công nghiệp lớn nhất thế giới tại Hannover (Đức) năm 2011.

Ảnh: Các cuộc cách mạng công nghiệp (nguồn internet)

 

Chính sách, chủ trương của Nhà nước về tiếp cận CMCN 4.0

Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nội dung chỉ thị nhận định xu hướng của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năng lực của Việt Nam để tiếp cận cuộc cách mạng này, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam.

Ảnh: Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”năm 2018 (nguồn chinhphu.vn)

 

Tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diến ra tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã nhấn mạnh “Việt Nam không nằm ngoài cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ngành tài nguyên và môi trường Bắc Ninh trước CMCN 4.0

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh rất quyết tâm trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý ngành để tạo tiền đề tiếp cận CMCN 4.0 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và việc này đã được thực hiện suốt quá trình phát triển của ngành trong nhiều năm qua. Đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành đạt được một số kết quả như sau:

1. Công tác chỉ đạo điều hành đã dần chuyển sang số hóa thông qua phần mềm do tỉnh triển khai và đơn vị tự phát triển, cụ thể như quản lý văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến

2. Công khai hoạt động ngành, công bố thông tin theo quy định của pháp luật, phổ biến pháp luật, công khai thủ tục hành chính,... qua môi trường mạng internet thông qua cổng thông tin điện tử, cổng thông tin công khai về tài nguyên và môi trường.

3. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính và dịch vụ công của Sở đạt tất cả ở mức độ 2, trong đó có 48 thủ tục và dịch vụ đạt mức độ 3.

4. Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định của Chính phủ, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về quản lý môi trường. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thông qua luân chuyển hồ sơ số giữa Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh và các chi nhánh.

5. Ứng dụng các phần mềm chuyên ngành cho hoạt động chuyên môn, đối với ngành tài nguyên và môi trường tất cả các hoạt động chuyên môn đề ứng dụng phần mềm chuyên ngành để thu thập, xử lý dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ thông tin. Cụ thể như ứng dụng phần mềm chuyên ngành cho công tác đo đạc bản đồ, biên tập bản đồ, phân tích, xử lý số liệu quan trắc.

6. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới, đồng thời ban hành một số văn bản về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng nhằm cảnh báo, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, khắc phục mọi hoạt động tấn công xâm nhập, hoạt động phát tán mã độc nhằm phá hoại đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh các kết quả đạt được thì ứng dụng công nghệ thông tin của ngành cũng còn một số hạn chế như: ứng dụng các phần mềm trong quản lý điều hành chưa triệt để, còn kết hợp giữa số hóa và thủ công gây nhiều khó khăn cho việc quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tuy có số lượng nhưng chất lượng chưa cao, tỷ lệ hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ trực tuyến ít, ứng dụng nhiều phần mềm cho hoạt động chuyên môn nhưng còn rời rạc, dữ liệu phân tán, chưa có giải pháp tổng hợp hiệu quả, hồ sơ chưa được số hóa còn nhiều (nhất là đối với lĩnh vực đất đai), cơ sở dữ liệu đã có triển khai xây dựng nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân các hạn chế trên trước hết là do kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh và ngành còn hạn chế nên một số phần mềm triển khai dùng chung mang tính thử nghiệm, chưa triệt để, công tác tuyên truyền cho người dân tham gia vào dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa tốt, chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành chỉ mang tính xử lý riêng biệt, chưa có quy chế quản lý hiệu quả, tài liệu của ngành quá rộng, nhiều hồ sơ tài liệu mang nhiều thông tin khác nhau nhưng chưa có giải pháp chuẩn hóa, đồng bộ phù hợp, kinh phí cho việc số hóa tài liệu hàng năm còn ít.

Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế như trên, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh phải thực hiện các nhiệm vụ giải pháp sau đề đạt mục tiêu theo quy định của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh:

1. Xây dựng khung Chính quyền điện tử ngành tài nguyên và môi trường theo khung Chính quyền điện tử tỉnh, triển khai thực hiện các phần mềm quản lý phục vụ chỉ đạo điều hành có hiệu quả theo lộ trình triển khai thực hiện các phần mềm dùng chung của tỉnh để đảm bảo liên thông, liên kết theo mô hình Chính quyền điện tử.

2. Tiếp tục hoàn thiện cổng thông tin điện tử, công khai thông tin tài nguyên và môi trường, cập nhật thông tin thường xuyên để công khai hoạt động, thông tin của ngành, phổ biến chính sách pháp luật, công khai thủ tục hành chính và các nội dung cần công khai, công bố khác.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin với hình thức phù hợp thông qua cổng thông tin điện tử, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp.

4. Sử dụng các phần mềm chuyên ngành hiệu quả, tăng cường sử dụng công nghệ mới, phát huy được các kết quả thu về từ các phần mềm chuyên ngành để hiện đại hóa công tác chuyên môn và xây dựng tốt cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, đối với các phần mềm chuyên ngành cần có quy chế quản lý phù hợp để tránh phân tán dữ liệu, lạc hậu dữ liệu.

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định tại Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 08/6/2017 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm thực hiện thường xuyên để xây dựng được môi trường quản lý hiện đại, phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng, cung cấp và trao đổi thông tin trong và ngoài ngành. Kết hợp điều tra, khảo sát thời gian thực (quan trắc tự động, ảnh viễn thám,...), cơ sở dữ liệu hiện có và công nghệ xử lý thông minh để xây dựng các hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ quản lý, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả sử dụng cần ban hành quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng hợp lý.

6. Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu công việc.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ vì vậy tiếp cận và hội nhập vào cuộc cách mạng này là yêu cầu cấp thiết của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp với các hành động thiết thực, phù hợp theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Để thực hiện hiệu quả được các nhiệm vụ trên, ngành tài nguyên và môi trường Bắc Ninh rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ trong ngành; cùng với đó là sự quyết tâm của lãnh đạo Sở, công chức, viên chức và người lao động của ngành.

Nguồn tin: Theo stnmt.bacninh.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay8,220
  • Tháng hiện tại587,546
  • Tổng lượt truy cập8,608,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây